Thạc sĩ Phạm Thị Thoa- Bộ môn Tâm lý học- Báo cáo chuyên đề Tháng 3 năm 2023

3/19/2023 3:26:11 PM

Sinh hoạt chuyên môn học thuật, báo cáo chuyên đề là hoạt hoạt động có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng nghiên cứu khoa học của mỗi CBGV. Chiều ngày 15 tháng 03 năm 2023 tại văn phòng bộ môn Tâm lý học (P 200 A6A1), ThS. Phạm Thị Thoa đã tiến hành báo cáo chuyên đề: “Vấn đề phát triển ngôn ngữ cho trẻ rối loạn phát triển”

Rối loạn phát triển là một nhóm các tình trạng do rối loạn thể chất, khả năng học tập, ngôn ngữ hoặc hành vi. Những tình trạng này bắt đầu trong thời kỳ phát triển của trẻ, hậu quả có thể ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và thậm chí kéo dài trong suốt cuộc đời của một đứa trẻ sau đó. Các rối loạn phát triển thường gặp: Tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, tăng động giảm chú ý. Phần lớn, nếu không nói là tất cả trẻ được chẩn đoán chậm phát triển trí tuệ hay tự kỷ đều có khiếm khuyết về ngôn ngữ. Vấn đề về ngôn ngữ phổ biến nhất là trẻ không học được cách giao tiếp như trẻ bình thường. Một số trẻ thậm chí còn không nói được 1 từ, và một số trẻ khác thì trở nên câm, nói nhại, hoặc tự tạo ra ngôn ngữ vô nghĩa của mình. Những vấn đề ngôn ngữ này khá phức tạp và thường đòi hỏi các chương trình can thiệp đặc biệt do các giáo viên được đào tạo bài bản (Lovaas, 1997). Do vậy, nghiên cứu này do tác giả lựa chọn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ rối loạn phát triển.

Đề tài tác giả đã đi sâu tìm hiểu khái quát về Khái niệm ngôn ngữ và các giai đoạn phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ; Một số bài kiểm tra nhằm đo lường mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ; Mẫu đánh giá ngôn ngữ hành vi; Các chiến lược phát triển ngôn ngữ cho trẻ rối loạn phát triển: Điều kiện thiết yếu để phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ em, Giai đoạn chuẩn bị ngôn ngữ, Khả năng đặc thù về ngôn ngữ Diễn đạt và trao đổi.

Qua đây chúng ta có thể thấy rằng, nếu ngôn ngữ của trẻ không phát triển kịp thời thì rất có thể một số hành vi xấu, không phù hợp sẽ xảy ra. Phần lớn trẻ chưa biết nói hoặc chậm nói có một số vấn đề về hành vi và người ta dễ nhận thấy những hành vi này chính là hình thức giao tiếp chính của những đứa trẻ đó. Vì vậy, càng sớm càng tốt cần chú ý đến việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ rối loạn phát triển. Do đó có thể khẳng định chuyên đề do ThS. Phạm Thị Thoa nghiên cứu là vô cùng cần thiết, giúp cho cha mẹ, cô giáo có thể sớm phát hiện những vấn đề về ngôn ngữ của trẻ và có biện pháp can thiệp kịp thời./.

Media/2012_tlgd.hdu.edu.vn/FolderFunc/202303/Images/cdtlt3-20230319032549-e.jpg

Hình ảnh: ThS. Phạm Thị Thoa, Bộ môn TLH bảo vệ chuyên đề

BỘ MÔN TÂM LÝ HỌC

Tin liên quan