CÁN BỘ GIẢNG VIÊN KHOA TÂM LÝ GIÁO DỤC VÀ SINH VIÊN TRƯỜNG ĐH HỒNG ĐỨC THAM DỰ HỘI THẢO CÔNG BỐ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “XÂY DỰNG KHUÔN VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC AN TOÀN”

6/24/2022 8:08:24 PM
UNWomen - cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ sẽ tài trợ cho mạng lưới một số trường đại học Sư phạm gồm trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Trường Đại học Hồng Đức - Thanh Hóa thực hiện dự án “Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn không bạo lực” trong thời gian từ tháng 02/2022 đến tháng 6/2022

CÁN BỘ GIẢNG VIÊN KHOA TÂM LÝ GIÁO DỤC

VÀ SINH VIÊN TRƯỜNG ĐH HỒNG ĐỨC THAM DỰ HỘI THẢO CÔNG BỐ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

“XÂY DỰNG KHUÔN VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC AN TOÀN”

ThS. Trương Thị Thảo

UNWomen - cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ sẽ tài trợ cho mạng lưới một số trường đại học Sư phạm gồm trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Trường Đại học Hồng Đức - Thanh Hóa thực hiện dự án “Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn không bạo lực” trong thời gian từ tháng 02/2022 đến tháng 6/2022. Chương trình hướng tới đối tượng chính là sinh viên và cán bộ nữ với các mục tiêu thí điểm sáng kiến “Khuôn viên trường an toàn không bạo lực” tại ít nhất 3 trường đại học ở Việt Nam; Kết nối các trường đại học trong một mạng lưới để thường xuyên gặp gỡ, thảo luận và trao đổi kinh nghiệm về các hoạt động trong khuôn viên trường đại học an toàn. Nâng cao nhận thức và khuyến khích các hành động cụ thể, có thể đo lường và bền vững để ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực đối với sinh viên và cán bộ nữ trong các trường đại học.

Ngày 20/6/2022, Hội thảo công bố kết quả đã được tổ chức tại trường ĐHSP Hà Nội với sự tham dự của đại diện tổ chức UNWomen tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo trường ĐHSP Hà Nội, CBGV các khoa Tâm lý - Giáo dục và đại diện sinh viên 3 trường ĐH đã tích cực tham gia chương trình.

Mở đầu Hội thảo, PGS.TS Lê Minh Nguyệt (chủ nhiệm chương trình) đã báo cáo kết quả hoạt động khảo sát “Khuôn viên trường đại học an toàn”. Hoạt động khảo sát được tiến hành trên giảng viên và sinh viên ở 3 trường đại học: ĐHSP Hà  Nội, ĐHSP Thái Nguyên và ĐH Hồng Đức. Kết quả khảo sát cho thấy, có 51,8% SV và 30,2% CBGV từng trải nghiệm các hành vi quấy rối tình dục; 26,5% SV và 19,22% CBGV từng trải nghiệm bạo lực với các hình thức khác nhau, trong đó bạo lực tinh thần ở SV là 18,0% và CBGV là 12,6%. Có đến 72,5% SV và 61,7% CBGV không biết đến địa chỉ hỗ trợ bạo lực là Ngôi nhà bình yên hay nhà tạm lánh; 51,0% SV không biết đến phòng tham vấn cho SV các trường đang theo học… Những số liệu trên đây cho thấy, các hành vi quấy rối tình dục và các hành vi bạo lực trên cơ sở giới vẫn đang từng ngày, từng giờ xảy ra trong khuôn viên ở các trường đại học với các mức độ khác nhau. Có những vị trí trong khuôn viên nhà trường không an toàn ở mức cao như: đường về Kí túc xá, Sân vận động, cổng trường… Nhiều SV khi chứng kiến hành vi bạo lực đã chủ động tìm hiểu thông tin về cách tự bảo vệ bản thân; nhưng vẫn còn 27,5% SV không có hành động gì cả; thậm chí nhiều SV còn chưa biết đến phòng tham vấn trong nhà trường. Thực tiễn trên đặt ra yêu cầu các trường đại học cần xây dựng khuôn viên an toàn, xây dựng và tổ chức hoạt động tốt phòng tham vấn tâm lý cho SV, đồng thời nâng cao nhận thức cho sinh viên về hành vi bạo lực, hành vi quấy rối và kĩ năng phòng tránh… Thông qua kết quả khảo sát, đã đề xuất lên Bộ Giáo dục & Đào tạo những kiến nghị cụ thể nhằm xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn trong cả nước.

Cũng tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Huyền (ĐHSP Thái Nguyên) đã trình bày bộ Quy tắc ứng xử và quy trình vận hành phòng tham vấn. Trong bộ Quy tắc ứng xử được xây dựng có 4 quy tắc ứng xử chung, 5 quy tắc ứng xử cho SV và 5 quy tắc ứng xử cho CBGV, công nhân viên các trường Đại học. Quy trình vận hành phòng tham vấn học đường gồm 5 bước cơ bản để hỗ trợ SV và GV nữ bị bạo lực trong trường đại học.

Nối tiếp chương trình Hội thảo, TS. Dương Thị Thoan (ĐH Hồng Đức) công bố các kết quả hoạt động trong chiến dịch truyền thông của chương trình. Hoạt động truyền thông được thực hiện bằng 2 hình thức: online và offline. Trong thời gian triển khai từ 7/03-7/5/2022, fanpage chính thức của chương trình Safe Campus đã thu hút được 1.028 lượt thích trang, 4.986 lượt truy cập và 79.904 lượt tiếp cận các bài viết trên trang. Các hoạt động truyền thông online được thực hiện gồm: các bài đăng truyền thông cho các sự kiện, các bài đăng chuyên môn và các cổng thảo luận. Các hoạt động truyền thông online kết hợp với các hoạt động truyền thông offline: tô cam giảng đường, lá thư chữa lành và cuộc thi truyền thông “Tôi tin bạn” đã tạo ra sức lan tỏa đến đông đảo SV và CBGV ở 3 trường ĐH tham gia chương trình… Kết quả cuộc thi truyền thông “Tôi tin bạn” đã trao giải cho 7 nhóm SV xây dựng video clip được đăng tải trên fanpage của chương trình.

Hội thảo cũng đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, CBGV và SV đến từ 3 trường tham gia chương trình. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến đề xuất thiết thực, có giá trị về vấn đề làm thế nào để xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn, đảm bảo cho SV và nữ GV yên tâm học tập, công tác? Phần lớn các nhà khoa học, CBGV và SV đều thống và truyền tải thông điệp “Từ chối bạo lực” ở trường đại học. Các ý kiến đề xuất trong hội thảo sẽ được tập hợp và đệ trình Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành những văn bản quy phạm quy định về việc xây dựng khuôn viên trường đại học, xây dựng phòng tham vấn học đường ở các trường đại học trong thời gian tới.

Kết thúc hội thảo, Ban tổ chức đã trao giấy chứng nhận cho các thành viên là cộng tác viên tham gia chương trình Safe Campus ở các trường ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Thái Nguyên và ĐH Hồng Đức.

Hội thảo tổng kết Chương trình “Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn” đã thành công tốt đẹp. CBGV khoa Tâm lý - Giáo dục đã được tham quan phòng tham vấn tâm lý cho sinh viên của trường ĐHSP Hà Nội để học tập những kinh nghiệm trong vận hành và tổ chức hoạt động, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm và thành công trong quá trình vận hành phòng Thực hành tâm lý ở khoa Tâm lý - Giáo dục trường ĐH Hồng Đức.

Tham gia chương trình “Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn” là cơ hội để CBGV khoa Tâm lý - Giáo dục và SV trường ĐH Hồng Đức được giao lưu, học tập và được hưởng lợi từ chương trình. Phòng Thực hành của khoa Tâm lý - Giáo dục được nâng cấp thành phòng Tư vấn tâm lý và sẽ trở thành địa chỉ tin cậy cho SV và CBGV bị bạo lực và gặp khó khăn tâm lý cần được tháo gỡ.

Một số hình ảnh tại Hội thảo công bố kết quả thực hiện chương trình “Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn”

Media/2012_tlgd.hdu.edu.vn/FolderFunc/202206/Images/hoi-thao-1-20220624075945-e.jpg

Hình ảnh: Bà Lê Thị Lan Phương - đại diện tổ chức UNWomen tại Việt Nam và đại diện các trường ĐH tham gia chương trình lan tỏa thông điệp

“Từ chối bạo lực trên cơ sở giới”

Media/2012_tlgd.hdu.edu.vn/FolderFunc/202206/Images/hoi-thao-2-20220624080201-e.jpg

Hình ảnh: CBGV các trường ĐH tham dự hội thảo chụp ảnh

lưu niệm

Media/2012_tlgd.hdu.edu.vn/FolderFunc/202206/Images/hoi-thao-3-20220624080237-e.jpg

 

Tập tin đính kèm

Tin liên quan