Báo cáo chuyên đề tháng 9/2021

16/06/2022

Sáng ngày 20 tháng 09 năm 2021 tại văn phòng bộ môn Tâm lý học (P 200 A6A1), ThS. Phạm Thị Thu Hòa đã trình bày báo cáo chuyên đề: “J.Piaget và học thuyết về các giai đoạn phát triển trí tuệ của trẻ em”.

Trên thực tế cho tới hiện nay, chưa có nhà khoa học hay trường phái nào nghiên cứu về sự phát sinh nhận thức, trí tuệ của trẻ một cách sâu sắc và hệ thống như J.Piaget. Những công trình nghiên cứu của ông trong lĩnh vực này đã được một nhà tâm lý học người Pháp khẳng định (1976) "Từ nay cho tới cuối thế kỷ tôi e rằng tâm lý học thế giới chỉ việc khai thác riêng các ý tưởng của J.Piaget thì cũng không làm sao hết được". Nhấn mạnh điều này là khẳng định sự đúng đắn và giá trị thực tế cao của học thuyết của J.Piaget. Hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều nước áp dụng lý thuyết của J.Piaget vào việc nghiên cứu tâm lý và giáo dục trẻ em, trong đó có Việt Nam. Học thuyết của J. Piaget có hai nội dung gắn bó hữu cơ với nhau: Học thuyết về sự phát sinh, phát triển của trí tuệ và học thuyết về các giai đoạn phát triển trí tuệ ở trẻ em. Trong đó, tác giả đã đi sâu nghiên cứu và đánh giá khá toàn diện, sâu sắc học thuyết về các giai đoạn phát triển trí tuệ ở trẻ em bao gồm những nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, tác giả đã luận giải về cơ sở xuất phát và các khái niệm công cụ, cơ sở sinh học và khái niệm ''thích nghi''; Lôgic học và khái niệm "cấu trúc" là một trong những điểm độc đáo và thành công nhất của J. Piaget, nó là chìa khoá để ông mở ra cánh cửa tìm hiểu nguồn gốc của các cấu trúc thao tác của trí tuệ và sự phát sinh, phát triển trí tuệ của trẻ em.

Thứ 2, Chuyên đề tập trung nghiên cứu các giai đoạn phát triển trí tuệ của trẻ em, sự phân chia giai đoạn phát triển trí tuệ gồm 4 giai đoạn: Giai đoạn 1: Giai đoạn giác - động (0- 2 tuổi); Giai đoạn 2: Giai đoạn tiền thao tác (2 - 6,7 tuổi); Giai đoạn 3; Giai đoạn thao tác cụ thể (7 - 11,12 tuổi); Giai đoạn 4: Giai đoạn thao tác hình thức (12 - 18 tuổi). Qua đó, tác giả cũng đã chỉ ra rằng, ở những trẻ khác nhau thì sự chuyển biến từ giai đoạn này sang giai đoạn khác có thể là không giống nhau, tốc độ phát triển trong từng giai đoạn cụ thể cũng khác nhau. Nhưng bất kỳ cá nhân nào cũng phải trải qua từng giai đoạn một cách tuần tự. Do vậy người làm công tác giáo dục phải tôn trọng quy luật có tính trật tự đó; Ở mỗi giai đoạn khác nhau, sự phát triển trí tuệ của trẻ được thể hiện thông qua hành động, thậm chí trong một giai đoạn có nhiều thời kỳ nhỏ thì hành động của trẻ ỏ từng thời kỳ đó cũng không hoàn toàn giống nhau. Vì vậy nhà giáo dục phải tạo điều kiện để hành động của trẻ có thể bộc lộ một cách tốt nhất.

Đóng góp đáng kế của tác giả trong nghiên cứu này là đã chỉ ra được những điểm mạnh của J. Piaget là nhà lý luận phát triển lớn đầu tiên nhấn mạnh rằng trẻ em là những thực thể tích cực, có khả năng thích ứng, đồng thời những quá trình suy nghĩ của trẻ em cũng khác xa so với người lớn. Đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong học thuyết của J. Piaget làm cơ sở cho việc đề xuất, vận dụng, ứng dụng học thuyết của J. Piaget vào trong hoạt động sư phạm.

Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng, việc tìm hiểu, nghiên cứu học thuyết của J.Piaget có một ý nghĩa rất to lớn. Một mặt giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự phát sinh và phát triển nhận thức, trí tuệ của trẻ; mặt khác là cơ sở để những nhà tâm lý học, giáo dục học có những biện pháp tác động hợp lý đến quá trình phát triển trí tuệ của trẻ. Đây là vấn đề có ý nghĩa lý luận sâu sắc trong công tác giáo dục./.

 

                                                                                            BỘ MÔN TÂM LÝ HỌC

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh 2024

TIN LIÊN QUAN