Bộ môn Tâm lý học Sinh hoạt chuyên môn cùng với Bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Hà Nội

30/10/2022

BỘ MÔN TÂM LÝ HỌC

Sinh hoạt chuyên môn cùng với

Bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Hà Nội

Vào hồi 14h ngày 26 tháng 10 năm 2022, Bộ môn Tâm lý học, Khoa Tâm lý- Giáo dục đã tham dự buổi sinh hoạt chuyên môn với Bộ môn Tâm thần, Trường Đại học Y Hà Nội với chủ đề “Rối loạn tích trữ”.

Tại buổi sinh hoạt, các nhóm nghiên cứu của Bộ môn Tâm thần (nhóm gen-  sinh hóa lão, nhóm Nghiên cứu khoa học…) và các bác sĩ đã trình bày, trao đổi các nội dung có liên quan đến vấn đề rối loạn tích trữ như: Khái niệm, các triệu chứng, dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, tiên lượng và cách thức điều trị, hỗ trợ…

Rối loạn tích trữ (Tiếng Anh: Hoarding Disorder) là một dạng rối loạn tâm thần mà người bệnh gặp khó khăn dai dẳng trong việc vứt bỏ những vật dụng không cần thiết, thừa thãi. Nếu phải vứt bỏ những vật dụng này, người bệnh sẽ cảm thấy đau khổ và tuyệt vọng. Thậm chí, chỉ riêng ý nghĩ phải vứt bỏ đồ vật cũng khiến bệnh nhân trở nên căng thẳng và đau khổ sâu sắc.

Những triệu chứng và dấu hiệu đầu tiên phải kể đến là việc tích trữ quá nhiều đồ đạc, tích tụ dần trong không gian sống và khó tự tay vứt bỏ đồ đạc. Tình trạng này thường xuất hiện ở tuổi thanh thiếu niên đến đầu giai đoạn trưởng thành. Khi tuổi tăng lên, dấu hiệu tiếp theo là tình trạng dự trữ những đồ vật không có nhu cầu và không có không gian ngay lập tức cho nó. Càng cao tuổi, triệu chứng này càng nặng và càng khó điều trị. Các vấn đề về tích trữ ngày càng phát triển dần theo thời gian và có xu hướng trở thành hành vi riêng tư.

Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến rối loạn tích trữ vẫn còn vướng phải nhiều sự tranh luận và chưa có bất kì lời giải thích cụ thể nào. Một vài nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, chứng rối loạn này có thể được hình thành dựa trên sự ảnh hưởng của một vài căn bệnh khác, chẳng hạn như sợ di chuyển, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu. Bên cạnh đó, một vài ý kiến cho rằng, rối loạn tích trữ cũng có nhiều khả năng liên quan đến yếu tố gia đình, lịch sử gia đình đã từng mắc chứng rối loạn trí nhớ thì nguy cơ phát triển chứng rối loạn này cũng sẽ cao hơn so với mức bình thường. Thông thường, các triệu chứng của rối loạn tích trữ có thể khởi phát sớm từ 11 đến 15 tuổi và có nhiều xu hướng gia tăng khi độ tuổi càng cao. Theo số liệu thống kê thì căn bệnh này sẽ phổ biến hơn đối với người lớn tuổi.

Chẩn đoán: Để có thể chẩn đoán chính xác về tình trạng rối loạn tích trữ, chuyên gia sẽ dựa vào tiêu chuẩn của DSM V và ICD11. Đồng thời, người bệnh sẽ được đánh giá tâm lý, hỏi về những câu hỏi có liên quan đến thói quen, sự tiết kiệm,… Sau khi xác định được cụ thể về mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.

Tiến triển và tiên lượng: Rối loạn tích trữ bắt đầu sớm trong cuộc sống và kéo dài đến giai đoạn cuối. Triệu chứng rối loạn tích trữ đầu tiên có thể xuất hiện vào khoảng 11 – 15 tuổi, bắt đầu can thiệp vào hoạt động ban ngày của cá nhân vào giữa những năm 20 và gây ra suy giảm nghiêm trọng về mặt lâm sàng vào giữa những năm 30. Khoảng 75% người mắc chứng rối loạn tích trữ có mắc bệnh lý cảm xúc khác đi kèm hoặc rối loạn lo âu. Các bệnh lý đi kèm phổ biến nhất là rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu xã hội và rối loạn lo âu tổng quát.

Cách điều trị rối loạn tích trữ: Theo các nhà chuyên môn, để có thể giúp cho bệnh nhân cải thiện tốt căn bệnh này thì bác sĩ chuyên khoa thường sẽ ưu tiên áp dụng liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị chính kết hợp cùng một vài loại thuốc để kiểm soát tốt các cảm giác lo lắng, căng thẳng của bệnh nhân./.

BỘ MÔN TÂM LÝ HỌC

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh 2024

TIN LIÊN QUAN