13/10/2022
Chiều ngày 12 tháng 10 năm 2022, Bộ môn Tâm lý học, Khoa Tâm lý – Giáo dục đã tham dự buổi sinh hoạt khoa học với Bộ môn Tâm thần - Đại học Y Hà Nội, chủ đề “Rối loạn ám ảnh cưỡng bức”.
Tại buổi sinh hoạt, các bác sĩ, nhóm nghiên cứu của Bộ môn Tâm thần đã trình bày, trao đổi các nội dung có liên quan đến vấn đề rối loạn ám ảnh cưỡng cức: Khái niệm, biểu hiện, phân loại, nguyên nhân và cách thức điều trị, hỗ trợ…
Rối loạn ám ảnh có thể hiểu là một dạng rối loạn phổ biến, kéo dài được biểu hiện bằng việc bệnh nhân có những suy nghĩ - ám ảnh và hành vi - cưỡng bức không kiểm soát được, lặp đi lặp lại. Ám ảnh thể hiện ở những suy nghĩ, ý tưởng dai dẳng, sai lầm, không đúng với hiện tại, là xu hướng hay hình ảnh trong tâm trí có tính chất lặp đi lặp lại và gây lo âu cho người bệnh. Những biểu hiện thường thấy có thể kể đến như sợ vi trùng, sợ bẩn, đồ dùng phải được sắp xếp cân xứng hoặc phải theo một trật tự hoàn hảo…. Cưỡng bức là những hành vi lặp đi lặp lại mà bệnh nhân luôn cảm thấy bị thôi thúc phải làm theo tương ứng với suy nghĩ ám ảnh như lau dọn, rửa tay quá mức, sắp xếp vật dụng theo một trật tự chính xác và liên tục kiểm tra…
Hiện nay, các nguyên nhân xác định dẫn tới rối loạn ám ảnh cưỡng bức vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng mặc dù việc nghiên cứu yếu tố di truyền, sự mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ… đã được tiến hành nhiều. Dù những rối loạn này có căn nguyên từ đâu nhưng việc mang trong mình những vấn đề đó sẽ khiến cho bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn trong các hoạt động sống như học tập, lao động, tương tác với những người xung quanh…
Theo các nhà chuyên môn, để điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng bức phải kết hợp giữa điều trị thuốc và điều trị tâm lý có sự theo dõi sát và liên tục của thầy thuốc và các nhà tâm lý trị liệu. Quá trình này cần thực hiện nghiêm túc và kiên trì của các nhà chuyên môn cũng như bệnh nhân và gia đình bệnh nhân./.
BỘ MÔN TÂM LÝ HỌC